Điện mặt trời áp mái – Những câu hỏi thường gặp

1. HỆ THỐNG HÒA LƯỚI VẬN HÀNH NHƯ THẾ NÀO?
Tấm pin năng lượng mặt trời sẽ hấp thụ bức xạ từ mặt trời, các tấm pin năng lượng mặt trời sẽ chuyển hóa quang năng thành dòng điện một chiều DC. Dòng điện này sẽ đi qua Bộ hòa lưới Inverter (gọi là bộ hòa lưới) và chuyển đổi dòng điện DC thành điện AC cùng pha, cùng tần số với điện lưới. Từ bộ hòa lưới, dòng điện xoay chiều AC đi qua hệ thống tủ điện phân phối dòng điện để đi đến các tải tiêu thụ. Khi điện mặt trời được tạo ra nhiều hơn lượng cần thiết (tức là tải tiêu thụ không hết), lượng điện này sẽ được đẩy lên lưới.

2. HỆ THỐNG ƯU TIÊN SỬ DỤNG ĐIỆN MẶT TRỜI HAY ĐIỆN LƯỚI?
Hệ thống hoạt động hoàn toàn tự động, ưu tiên dòng điện được tạo ra từ tấm pin năng lượng mặt trời. Khi điện mặt trời tạo ra ít hơn so với tải tiêu thụ, hệ thống sẽ tự động lấy thêm điện lưới để bù vào cho tải sử dụng. Vào ban đêm, hệ thống sẽ sử dụng toàn bộ điện từ điện lưới do hệ thống tấm pin không tạo ra điện.

3. NHỮNG NGÀY THỜI TIẾT KHÔNG CÓ NẮNG, NHIỀU MÂY MƯA THÌ HỆ THỐNG CÓ HOẠT ĐỘNG KHÔNG?
Trên thực tế các tấm pin mặt trời hấp thụ bức xạ từ ánh sáng mặt trời. Vì vậy, những ngày không có nắng hay trời nhiều mây, mưa nhưng cường độ bức xạ tốt vẫn giúp pin mặt trời sản sinh được ra điện. Điện lưới sẽ tự động hòa vào để bổ sung cho lượng điện còn thiếu, đảm bảo cung cấp tải ổn định giúp cho việc sinh hoạt không bị ảnh hưởng trong mọi điều kiện thời tiết

4. HỆ THỐNG HOẠT ĐỘNG ĐƯỢC BAO LÂU?
Hệ thống điện mặt trời hòa lưới hoạt động trong khoảng từ 25 – 30 năm nếu như không tính đến các yếu tố như thiên tai, cháy nổ….và các yếu tố khác có thể ảnh hướng đến tuổi thọ của hệ thống như chất lượng của tấm pin, độ bền các vật liệu lắp đặt….

5. HỆ THỐNG HÒA LƯỚI CÓ HIỆU QUẢ VỀ ĐẦU TƯ? CHI PHÍ BẢO TRÌ CAO KHÔNG?
Hệ thống hòa lưới có thời gian hoàn vốn trong khoảng từ 4 – 6 năm tùy thuộc ít nhiều vào các yếu tố như giá mua điện của EVN, chi phí đầu tư, hiệu năng của hệ thống .
Chi phí bảo trì của hệ thống tương đối thấp, bạn chỉ cần vệ sinh tấm pin định kỳ để tẩy sạch hết các bụi bẩn trên bề mặt, giúp các tấm pin hấp thụ ánh sáng tốt hơn nhằm tối ưu hiệu quả làm việc của hệ thống.

6. LÀM SAO ĐỂ BIẾT ĐƯỢC MỘT NGÀY HỆ THỐNG SINH RA ĐƯỢC BAO NHIÊU ĐIỆN?
Theo các thông kê, cứ mỗi kW lắp đặt sẽ cho ra khoảng 3 – 4kWh/ngày (khu vực miền Nam) hoặc từ 3 – 3,5 kWh/ngày (khu vực miền Bắc). Hệ thống sẽ được chúng tôi gắn một thiết bị giám sát bằng Wifi và Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn một tài khoản cá nhân để theo dõi hệ thống bằng cách đăng nhập trên Website hoặc ứng dụng trên điện thoại để theo dõi. Mọi thông số vận hành của hệ thống sẽ được thống kê chi tiết như sản lượng điện sinh ra trong ngày, tháng, năm, công suất đỉnh hay khi hệ thống báo lỗi.

7. KHI HỆ THỐNG HÒA LƯỚI CÓ PHÁT SẢN LƯỢNG ĐIỆN DƯ DO KHÔNG DÙNG THÌ TÔI CÓ BÁN ĐƯỢC KHÔNG? CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI ĐIỆN MẶT TRỜI ÁP MÁI NHƯ NÀO?
Hệ thống điện mặt trời áp mái được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận của công tơ điện 2 chiều. Do đó khi hệ thống sinh ra sản lượng điện dư thừa không dùng đến thì sẽ được đẩy lên lưới và bán lại cho ngành điện (EVN).
Ngày 12.9.2017, Bộ Công thương ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời và Thông tư đã chính thức có hiệu lực vào ngày 26.10.2017. Bạn sẽ ký kết trực tiếp Hợp đồng mua bán điện mặt trời với Công ty Điện lực (nơi bạn sinh sống). Điện lực sẽ chốt chỉ số 01 lần/ 1 tháng để thanh toán tiền điện cho bạn.

8. NGOÀI VIỆC TIẾT KIỆM CHI PHÍ ĐIỆN NĂNG, VIỆC SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI CÒN CÓ THỂ MANG ĐẾN LỢI ÍCH GÌ CHO CHỦ ĐẦU TƯ?
Ngoài việc cắt giảm 1 phần đáng kể chi phí điện năng hằng tháng, hệ thống điện mặt trời còn mang đến các giá trị như:
– Giảm nóng cho phần mái nhà, giảm điện năng sử dụng máy lạnh cho tầng áp mái.
– Tăng tính mỹ quan của tòa nhà, tăng giá trị bất động sản.
– Nâng cao thương hiệu, hình ảnh của chủ đầu tư khi tiên phong trong xu hướng sử dụng năng lượng sạch.
– Giúp doanh nghiệp đạt các tín chỉ bảo vệ môi trường, giảm lượng CO2 trên đầu sản phẩm tạo ra để hỗ trợ các tiêu chuẩn xuất khẩu (cho xưởng sản xuất), tạo hình ảnh du lịch sinh thái, tăng lượng khách du lịch (resort, khách sạn, vườn bảo tồn, …)

9. HỆ THỐNG ĐIỆN MẶT TRỜI CÓ HOẠT ĐỘNG ĐƯỢC VÀO MÙA ĐÔNG KHÔNG?
Không giống như bình nước nóng năng lượng mặt trời là nhờ hấp thụ NHIỆT của mặt trời. Khi lắp hệ thống điện mặt trời, các tấm pin hấp thụ bức xạ từ ÁNH SÁNG mặt trời. Vì thế, vào mùa đông nếu cường độ bức xạ tốt vẫn giúp các tấm pin NLMT sản sinh ra được điện.

10. BÓNG RÂM CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HỆ THỐNG KHÔNG?
Việc xuất hiện bóng râm trên bề mặt tấm pin sẽ gây tác động ít nhiều đến năng xuất sản suất điện của hệ thống.
Vì vậy, khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời, việc lựa chọn vị trí lắp đặt các tấm pin rất quan trọng. Bạn cần chú ý đến các vật có thể che bóng lên tấm pin như cây cối, tường nhà hàng xóm….có ảnh hưởng đến hệ thống của mình không.

11. HỆ THỐNG ĐIỆN MẶT TRỜI HÒA LƯỚI GỒM NHỮNG GÌ?
1. Tấm pin mặt trời: dùng để hấp thụ bức xạ từ ánh sáng mặt trời
2. Biến tần hòa lưới(inverter): để chuyển đổi dòng điện từ pin mặt trời là dòng DC thành dòng AC để sử dụng các thiết bị điện 220V.
3. Khung đỡ, giá đỡ: dùng để gắn, đỡ các tấm pin trên mái nhà và tạo góc nghiêng phù hợp cho tấm pin để hứng ánh sáng mặt trời tối đa
4. Thiết bị giám sát WIFI: để theo dõi hệ thống hoạt động trên ứng dụng của điện thoại.
5. Các thiết bị khác: Tủ điện đóng cắt, cáp điện, ống bảo vệ cáp, công tơ 2 chiều dùng để đo đếm điện năng

12. HỆ THỐNG HÒA LƯỚI CÓ CẦN ẮC QUY LƯU TRỮ KHÔNG? BUỔI TỐI CÓ THỂ SỬ DỤNG ĐƯỢC KHÔNG?
Hệ thống hòa lưới không cần ắc quy lưu trữ, toàn bộ sản lượng điện sinh ra từ hệ thống sẽ được tiêu thụ tức thời. Nếu tải tiêu thụ không hết, lượng điện dư thừa sẽ được trả lên lưới điện. Vì vậy, bạn sẽ được sử dụng điện từ nguồn NLMT miễn phí vào ban ngày và sử dụng điện lưới vào ban đêm.